ATZ TRAVEL - ALL IN YOUR EYES

TOUR DU LỊCH
Tour nội địa Tour nước ngoài
Điểm đi
Điểm đến
Giá
(VNĐ)
Ngày đi    
ĐỐI TÁC KINH DOANH

Phố cổ Hội An - Di sản của người Hội An

 Dẫu đã trải qua những đổi thay, thăng trầm của cuộc sống, những chủ nhân của di sản văn hóa này không hề bị lối sống đô thị làm ảnh hưởng. Vẫn mộc mạc, giản dị. Luôn yêu quý, gìn giữ những giá trị văn hóa lâu đời, đã làm nên một Hội An di sản, một Hội An cổ kính…

Ông lão và món “đặc sản” không có trong danh mục

Giữa cơn mưa phùn nhè nhẹ, trong một góc phố cổ… Ngồi xổm bên lề đường, bưng trên tay chén chè nóng đen nhánh, mùi hương nồng nồng, ngai ngái hòa quyện với vị ngọt thanh tan biến nơi đầu lưỡi… Dân dã, bình dị, rất đặc trưng phố Hội là ấn tượng của tôi về món “xí mà” bên hè phố Nguyễn Trường Tộ, tại phố cổ Hội An.

201210-89

Ông Ngô Thiểu bên gánh xí mà ở góc phố Nguyễn Trường Tộ - TP Hội An

Ở đó, vào mỗi buổi sáng, có một ông lão gầy gò, nhỏ bé trong bộ quần áo nâu sòng với đôi gánh chè nhỏ. Tên ông là Ngô Thiểu, nhưng cư dân phố Hội thường gọi ông thân mật là “Lão Xí mà”. Anh bạn, làm bên Ban quản lý bảo tồn văn hóa của thị xã bật mí: “Ngoài món cao lầu nổi tiếng, nhất thiết phải một lần nếm thử xí mà thì mới gọi là đã đến Hội An”.

“Xí mà” là tên gọi món chí mà phù của cư dân phố cổ. Món “đặc sản” này không những ăn ngon mà còn là liều thuốc đông y quý của người Hoa, giúp nhuận trường, kiện tỳ và điều trị bệnh kiết lỵ.

Nguyên liệu để làm ra món ăn này là mè đen xay nhuyễn cùng với nước cốt của một số loại thanh địa, lá mơ, rau má, đường đen và vài vị thuốc bắc trộn chung nấu cho đến khi sền sệt. Kỹ thuật nấu nó cũng công phu lắm. Không được cháy, không được lỏng cũng không được khô.

Vị thuốc bắc đi kèm lại là một bí quyết riêng mà chủ nhân của nó chưa truyền lại cho bất cứ ai. Điều độc đáo nữa còn ở chỗ đây là chủ nhân duy nhất và cuối cùng làm món xí mà tại phố cổ. Năm nay, Lão Xí mà đã gần 90 rồi.

Con cái lão đều thành đạt cả. Chúng cũng đã xây cho lão một căn nhà lớn, khang trang ngay cạnh con hẻm giếng Bá Lễ nổi tiếng. Và một mực can lão không nên lụm khụm, vất vả nắng mưa với gánh xí mà, ngày chỉ được bỏm bèm dăm chục.

Nhưng nó đã trở thành cái nghiệp đời của lão mất rồi! Vả lại, cư dân và du khách ở phố Hội mỗi ngày nếu vắng gánh xí mà của lão, có cảm giác thiếu đi một cái gì quen thuộc.

Hôm qua, tôi trở lại Hội An, đến phố Nguyễn Trường Tộ, tìm Lão Xí mà để được thưởng thức món chè của lão. Nhưng góc phố vắng tanh, ảm đạm chìm trong mưa. Lão Xí mà đã nghỉ bán vì trở bệnh…! Hy vọng, “xí mà” sẽ không bao giờ rơi vào quên lãng trong lòng du khách thập phương và tâm hồn người phố Hội….

Đôi vợ chồng gánh nước nổi tiếng

Họ có nét gì đó rất cổ, rất xưa, nên thơ như chính nơi họ đang sinh sống. Còn trong mắt du khách, vợ chồng người gánh nước giếng Bá Lễ thuê ấy “nổi tiếng” không kém gì giếng cổ Bá Lễ huyền thoại. Nhẩm đếm số cây số trong suốt 50 năm gắn bó, mưu sinh với nghề gánh nước giếng Bá Lễ thì quả đúng như câu nói đùa của cư dân phố Hội: “Vợ chồng cụ Nguyễn Đường và Nguyễn Thị Mỹ đã lập kỷ lục Guinness về gánh nước giếng”…

201210-90

Vợ chồng người gánh nước giếng Bá Lễ Nguyễn Đường

Dẫu vợ chồng ông Đường đã phải đánh vật đủ nghề trong cuộc mưu sinh, nhưng tài sản vốn đã ít ỏi, cứ đội nón ra đi theo những lần “có bệnh phải vái tứ phương” chữa bệnh cho cậu con trai duy nhất của họ… Cái khó ló cái khôn. Sống ở Hội An, nên ông bà rất biết giá trị của giếng nước Bá Lễ trong sinh hoạt, đời sống của cư dân phố Hội.

Vậy là, hai đôi quang gánh, ngày ngày chồng trước, vợ sau, họ len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm của phố cổ. Hàng triệu lần gánh nước, ky cóp ông bà cũng dựng lại được căn nhà tranh nhỏ tạm gọi là tươm tất trên mảnh đất chừng 20m2 để có cái che nắng, che mưa.

Và tài sản quan trọng nhất trong căn nhà ấy vẫn chỉ là đôi quang gánh đã mòn nhẵn, cùng cặp thùng nước cũ, rỉ sét nhiều chỗ, vật đã cùng vợ chồng mưu sinh suốt mấy chục năm qua. Vậy mà năm nào hễ vào dịp thị xã Hội An tổ chức lễ lớn, Ban quản lý bảo tồn đều mượn chúng đem về trưng bày, để giới thiệu với du khách quốc tế tại bảo tàng văn hóa Hội An như một nét độc đáo của đời sống cư dân phố cổ…

Nghề gánh nước thuê của vợ chồng ông Đường cũng cha truyền con nối đàng hoàng. Cậu con trai tuy vẫn còn bệnh ngớ ngẩn, nhưng đã phần nào “vạm vỡ” hơn. Nay cũng tập gánh, rồi thay cha, thay mẹ tiếp tục nối nghề…

Nghệ nhân của đèn lồng phố hội

Du khách thập phương vốn rất thích thú với vẻ đẹp lung linh, huyền ảo trong những đêm rằm của những chiếc đèn lồng phố Hội. Nhưng ấn tượng với du khách lại chính là những sự biến thể lạ kỳ, độc đáo bởi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân lồng đèn. Họ đã thổi hồn, làm sống động, đa dạng phong cách cho những chiếc lồng đèn truyền thống, đưa đèn lồng trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của di sản văn hóa phố cổ Hội An.

201210-91

Du khách quốc tế rất thích thú với những kiểu dáng lồng đèn độc đáo của nghệ nhân Huỳnh Văn Ba

Nổi tiếng nhất là nghệ nhân tài hoa Huỳnh Văn Ba, người đầu tiên có công biến chiếc đèn lồng truyền thống thành những sản phẩm lạ mắt, độc đáo. Bảy mươi tuổi, hơn nửa cuộc đời gắn với nghề. Cũng bởi ông “say” đèn lồng đến kỳ lạ. Là một nghệ nhân tài hoa bậc nhất của lồng đèn phố Hội, nhưng quê ông lại ở Thăng Bình, Quảng Nam.

Ông bảo Hội An và đèn lồng là quê hương thứ hai của ông. Tôi biết, dẫu tuổi đã cao nhưng tinh thần làm việc, lòng yêu nghề của nghệ nhân Huỳnh Văn Ba thì vẫn luôn trẻ, linh hoạt và cầu tiến lắm. Tất cả tố chất đó của ông đều thể hiện vào lồng đèn.

Ngoài những kiểu dáng truyền thống như hình ống, hình tròn, bán nguyệt…ông còn muốn biến chúng thành những con thuyền úp ngược hay những bức tranh đa hình thể.Ông đã thành công. Không dưới 40 mẫu độc đáo cho đèn lồng đã được ra đời, kết quả của bao năm mày mò, tỷ mẫn nghiên cứu từng loại tre, từng phương cách chế tạo lồng đèn từ cổ đến hiện đại…

Thành công nhất, chính là ông đã tìm ra phương thức chế tạo khung đèn có thể xếp thành một chiếc ống, hay như cái quạt vừa tiện lợi, vừa gọn. Có thể ứng dụng cho bất kỳ loại đèn lồng với bất kỳ kích cỡ nào để dể dàng vận chuyển đi xa mà không hề ảnh hưởng đến chất lượng của đèn.

Đây cũng chính là một trở ngại lớn nhất đối với các cơ sở sản xuất đèn lồng ở phố Hội trong việc phát triển, xuất khẩu và giao thương mặt hàng văn hóa – truyền thống này… “Đối với tôi niềm hạnh phúc là được làm những chiếc đèn lồng”. Có lẽ vậy, cùng với những nghệ nhân lồng đèn ở phố Hội, nghệ nhân Huỳnh Văn Ba đã, đang làm nên và giữ gìn những gì quý giá nhất, lung linh nhất của một di sản văn hóa thế giới.

Ông vua cao lầu đất cổ Hội An

Phố cổ Hội An nổi tiếng với biết bao món ăn ngon, đậm đà tình người. Trong đó không thể không nhắc đến một món ăn có cái tên vừa quen vừa lạ: món cao lầu.

Nhiều người vẫn hay thắc mắc về cái tên gọi đặc biệt của món ăn này. Liệu phải chăng ngày xưa, muốn thưởng thức món ăn này người ta phải đi lên lầu cao của quán. Vừa ngồi trên lầu cao ngắm cảnh, vừa thưởng thức món ăn đặc sắc nên mới đặt tên cho món ăn là cao lầu.

201207-06

Món cao lầu – đặc sản Hội An

Tình túy của món cao lầu nằm ở sợi cao lầu được chế biến một cách công phu. Người ta mang gạo ngâm với nước tro, nhưng không phải thứ tro thông thường mà là tro củi lấy từ Cù Lao Chàm. Nước hòa cùng với tro phải lấy từ nước giếng cổ Bá Lễ, thứ nước ngọt mát và trong vắt. Sau đó gạo được xay thành bột, để ráo nước, nhồi cho mịn. Quá trình làm sợi cao lầu đòi hỏi sự kì công thì mới có thể tạo nên được những sợi cao lầu giòn, dẻo và có màu vàng nhạt tự nhiên.

201207-07

Quán Ông Mân nổi tiếng với mòn Cao Lầu

Cao lầu được bày trí đẹp mắt với màu vàng của sợi mì, màu hồng của tôm, thịt xá xíu, màu xanh của rau. Cao lầu ăn kèm với rau sống, loại rau được lấy từ làng rau Trà Quế nổi tiếng ở Hội An.

ST

 

thanh vien
lich tour
lien he
skype
yahoo
ĐĂNG NHẬP

Tài khoản
Mật khẩu
     
Đăng ký thành viên
Quên mật khẩu