ATZ TRAVEL - ALL IN YOUR EYES

TOUR DU LỊCH
Tour nội địa Tour nước ngoài
Điểm đi
Điểm đến
Giá
(VNĐ)
Ngày đi    
ĐỐI TÁC KINH DOANH

Mùa xuân và ước vọng phồn thực

Mùa xuân nghĩ về ước vọng phồn thực của cha ông

Mùa xuân muôn cây đâm chồi nảy lộc, ngàn hoa khoe sắc, vạn vật trở nên tươi tốt, tràn đầy sức sống. Một đất nước có nền văn minh lúa nước lâu đời, cuộc sống con người hàng ngàn năm qua còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, sức sản xuất còn hạn chế, thì ước vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng lẫn con người sinh sôi, nẩy nở - chính là ước vọng ngàn đời của người xưa. Duy trì và phát triển sự sống đã trở thành nhu cầu thiết yếu của họ.

F.Ăng ghen trong cuốn “Nguồn gốc gia đình, tư hữu và nhà nước” đã viết rằng, có hai hình thức sản xuất quan trọng nhất: “Một mặt, đó là sản xuất phương tiện sống - đồ ăn, đồ mặc, nhà cửa, công cụ cần thiết, mặt khác, đó là việc sản xuất bản thân con người, là sự kế tục giống nòi”. Người ta thấy rằng hai việc “sản xuất” này (sản xuất nông nghiệp và sản xuất con người) có bản chất giống nhau: đó là sự kết hợp hai yếu tố khác loại. Đây là cơ sở thực tiễn để dẫn đến, một mặt đó là nhận thức khái quát làm cơ sở cho thuyết âm-dương, mặt khác đó là ý thức tôn giáo của quần chúng liên quan đến việc thần thánh hóa các cơ quan sinh sản, các sinh thực khí (sinh: đẻ, thực: nảy nở, khí: công cụ ). Biểu hiện chủ yếu của tín ngưỡng phồn thực này là thờ sinh thực khí nam nữ và sùng bái hành vi tính giao - như là một hành động thiêng liêng.

Dấu vết của tín ngưỡng này được biểu hiện trong di sản văn hóa vật chất và tinh thần của người xưa còn lưu lại trong nếp phong tục lễ hội mùa xuân, nghệ thuật dân gian... trong vốn văn hóa dân tộc.Để duy trì cuộc sống, con người nông nghiệp Đông Nam Á cần mùa màng tươi tốt và phát triển gia súc, bởi đó là nguồn thức ăn chính (cả thực vật lẫn động vật) nuôi sống con người. Hơn nữa, để duy trì nòi giống và phát triển xã hội, bản thân con người phải sinh sôi nảy nở. Chính những đòi hỏi khách quan đó là tiền đề để tín ngưỡng phồn thực ra đời và phát triển ở Đông Nam Á.Biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực rất đa dạng. Tục cầu mưa, lễ cầu nước Mẹ, tục té nước, tục đi lấy nước thờ của người Thái, người Lào và của một số dân tộc ở Campuchia, Myanma, Philippin, Việt Nam…thực ra cũng là tín ngưỡng phồn thực bởi mục đích chính của nó là xin nước cho cây cối, mùa màng phát triển xanh tốt, bội thu. Thêm nữa tục vũ hội dưới trăng hay múa khèn của người Dao, người Li, người Bui, người Hmông, tục đánh trống thi cho đến thủng trống, gãy dùi (và kèm theo đó, ở một số dân tộc là cảnh quan hệ tình dục tự do của cả người già lẫn người trẻ vào lúc kết thúc, đêm khuya) của người Thái, Mường ,Việt…

Tục nhảy múa tập thể của người Lào, người Khơme, tục đánh đu, tục hát đối nam nữ của nhiều dân tộc và hàng loạt hình thức cúng bái, tế lễ cấu trời khác của cư dân Đông Nam Á cho mùa màng bội thu, cho các giống loài sinh sôi nảy nở đều phần nào biểu hiện nghi thức phồn thực của một xã hội nông nghiệp.Mỗi khi xem thạp Đồng Thịnh (Yên Bái, thế kỷ V tr.CN) người ta đặc biệt chú ý đến bốn khối tượng nam nữ đang giao phối hồn nhiên, xung quanh mặt trời 12 cánh, ở những vị trí quan trọng nhất trên thạp. Người đàn bà nằm dưới cởi trần, vú nhọn, tấm vải làm váy quấn ngang hông có một quãng hở cắt dọc trước bụng, chân duỗi thẳng, hai tay ôm đỡ người đàn ông ở phía trên. Người đàn ông tóc xõa, xòe rộng ra ngang vai, hai tay ôm lấy người đàn bà, ngang hông quấn một vòng khố, thắt lưng vài dao găm. Ở thân thạp này còn khắc chìm hai chiếc thuyền, chiếc sau chạm vào chiếc trước, khiến cho hai con vật được gắn ở mũi chiếc sau và đuôi chiếc trước đụng chạm nhau trong tư thế giao hợp của loài bò sát bốn chân.Hình tượng động vật giao phối không phải hiếm. Trên thân trống đồng Hoàng Hạ (Phú Xuyên, Hà Sơn Bình) có khắc hình những cặp chim ngồi trên lưng nhau trong tư thế đạp mái. Người ta cũng thấy tượng cóc giao phối. Nên lưu ý rằng: Cóc tượng trưng cho việc cầu mưa- mưa thuận gió hòa (Con Cóc là cậu ông trời...) và tượng Cóc được gắn rất nhiều trên các trống đồng thì ý nghĩa phồn thực của loại tượng Cóc càng rõ nét.Sự cường điệu hình nam nữ hay miêu tả sự giao phối không chỉ sau này mới thấy, mà đã có hàng ngàn năm trước. Di chỉ Văn Điển (Hà Nội) là tượng đá tạc hình người đàn ông với bộ phận sinh dục phóng đại.Nghệ thuật tạo hình thời Hùng Vương cho biết: các nghệ sĩ đã sáng tạo ra chiếc thạp đồng, trống đồng để thể hiện cuộc sống bình dị, chất phác trong đó con người hài hòa với thiên nhiên. Vì vậy, khi đặc tả cảnh con người yêu đương say đắm như trên thạp Đồng Thịnh, họ cũng tả từng đôi cá sấu, ếch nhái, chim muông... cũng trong tư thế giao phối như con người.Hình tượng con người được chạm nổi ở đình, chùa vào cuối thế kỷ XVII đều nổi rõ đề tài: cảnh trai gái nghịch ngợm, tình tự, giao hợp hay đàn bà khỏa thân. Ở diềm cửa chùa Điềm (Hà Nam Ninh thế kỷ XVII) có cảnh giao phối giữa thú và rồng. Cột đá chùa Đạm (Hà Bắc, thế kỷ XII) là biểu tượng Lin-ga (dương vật) thiêng liêng. Bức chạm gỗ đình Thổ Tang (Vĩnh Phú, thế kỷ XVII) khắc những đôi nam nữ đùa nghịch nhau, chàng trai bóp vú cô gái. Đình Đông Viên (Ba Vì, Hà Nội) có cảnh 4 cô gái khỏa thân tắm trong hồ sen. Bên phải là một thanh niên cưỡi hổ chồm tới, khiến cô gái dường như chạy vào. Bên trái có 2 người đàn ông đóng khố. Người đứng ngoài rướn vào, tay phải cầm cổ con rắn giơ cao, dứ về phía cô gái. Người đàn ông thứ hai chân quỳ, chân chống, tay phải để lên gáy cô gái ở ngoài, tay trái đưa lên sờ vú. Cô gái một tay giữ tóc, một tay nắm cổ tay người đàn ông ngăn lại. Cô thứ hai thân quay ra nửa vời. Cô thứ ba đang bước vào, chân giẫm lên cá chép, hạ bộ chạm rõ.Ước vọng phồn thực của cha ông thể hiện rõ nhất trong các hội làng mùa xuân ở vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ.Tục thờ cúng nõ nường (nõ: cái nêm, tượng trưng cho sinh thực khí nam, nường: nang, tượng trưng cho sinh thực khí nữ) là một ví dụ. Hàng năm, vào tối mùng1 tháng 2 âm lịch , ở làng Đức Bắc (Lập Thạch, Vĩnh Phú), một đôi trai gái chưa lập gia đình , đứng hai bên hương án giữa đình. Chủ tế điều khiển nghi lễ cầu nõ nường. Trai cầm chày gỗ vông, gái cầm chiên mo cau. Chủ tế trình thánh xong, người con trai hỏi: cái sự làm sao? Cô gái đáp: cái sự làm vầy. Hai người vừa nói, vừa đưa vật đó chạm vào nhau ba lần. Nếu trúng cả thì năm đó cả làng sinh nhiều con trai và làm ăn thịnh vượng.

Ở một số nơi Đông Nam Á, tập tục tôn thờ sinh thực khí vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Ở Thái Lan, người ta có tục nặn hình người bằng đất sét để cầu nguyện cho mùa màng tươi tốt. Tượng là một cặp nam nữ ôm nhau, hoặc nằm, hoặc ngồi, nhưng trong tư thế đang giao hợp. Khi nặn cặp tượng, người ta luôn miệng niệm câu thần chú, đại ý: “Nặn đám mây và đọc lời chú: nặn ra hình cái… (của đàn ông), nặn ra cái …(của đàn bà) rồi mưa sẽ rơi nặng hạt”. Cũng có khi người ta mang hình âm vật và con mèo cái ra để kích thích Bố Trời giao hợp với Mẹ Đất, bởi trong quan niệm của họ, mưa gió chính là kết quả của sự giao phối ấy. Trong đám lễ, đám đông trẻ già gái trai vừa đi diễu hành vừa hát:

Mèo cái ơi! Cầu cho trời mưa

Trời mưa bốn trận dầm dềLột áo, lột váy cho xem cái…

Mưa về như trút như vãi.

Ở một số làng, giao phối nam nữ không còn dừng ở mức tượng trưng mà hành động thực sự. Hội Gióng ( Gia lâm- Hà Nội) đêm mùng 7 tháng 4 trai gái tự do đuổi bắt, sờ mó nhau trên đê. Xã Liêm Thuận (Thanh Liêm- Nam Hà) có tục “mở mắt trống chiêng”, sau tiếng chống chiêng cả làng có động tác “động phòng” ngay trong đêm ấy để “lấy may”. Từ mồng 6 đến 15 tháng giêng âm lịch, cả làng Nga Hoàng (Quế Võ, Hà Bắc) không phân biệt già trẻ gái trai chen vai thích cánh hướng ra đình trong ngày Hội Chen. Sau khi tế lễ ở đình xong, thanh niên nam nữ từng đôi kéo nhau ra chỗ vắng tình tự. Sau hội, nếu cô nào sinh con đủ ngày tháng so với ngày hội thì được thưởng, còn cô nào không đúng thì bị phạt nặng. Ở hội La (Hà Đông)  vào giai đoạn rã đám, có tục tắt đèn vài phút cho trai gái tự tình, sờ soạng nhau. Ca dao vùng này có câu:

Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy

Vui thì vui vậy chẳng tày rã La

Tương truyền, năm nào làng La không thực hiện tục này, trong thôn xã sinh ra lắm điều ngang trái, thú vật chết, mùa màng thất bại, buôn bán thua lỗ, con người tật bệnh...Làng Hạ Đới (nay là Tiên Thanh) và làng Cẩm Khê (nay là Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) mở hội hạ điền vào 20 tháng giêng và 15 tháng 3 âm lịch để tế thành hoàng. Sau tế lễ, làng có hội Ghép đôi với trò diễn cấy, cày để ghép đôi lứa cho trai gái chưa vợ, chưa chồng. Gái xuống cấy, trai chuyển mạ trên cùng một thửa ruộng. Bên trên, dân làng reo hò chọc ghẹo trong tiếng chiêng trống rộn ràng. Đến sẩm tối, mọi người trẩy hội trở về, còn lại đôi trai gái làm nốt công việc. Xong, họ có quyền lên bờ để tỏ tình, được quyền ân ái mà không ai dòm ngó, dị nghị. Năm nào có nhiều cặp cấy như vậy thì năm đấy mùa màng bội thu.Làng Văn Trưng (Vĩnh Tường, Vĩnh Phú) có tên tục là làng Dưng. Làng mở hội hàng năm vào ngày mồng sáu tháng giêng tại chợ Dưng. Ca dao ở đây ghi:

Bỏ con bỏ cháu

Chẳng ai bỏ mồng sáu chợ Dưng.

Bởi vì, nhiều trò chơi được tổ chức vào dịp này, nhưng hào hứng nhất vẫn là cuộc thi bắt chạch trong chum. Người dự thi là một cặp nam nữ. Đôi trai gái phải vừa ôm nhau,vừa bắt chạch. Gái, tay phải ôm ngang lưng trai còn tay trái khoắng vào chum nước. Trai thì tay phải khoắng vào chum còn tay trái ôm ngang qua người con gái, đưa bàn tay nắm lấy nhũ hoa của con gái. Hai người ôm nhau vừa bóp nhũ hoa, vừa bắt chạch cho đến kỳ được thì thôi. Người dự thi rất tự nhiên, khán giả thích chí. Người ta bỏ con bỏ cháu để đến với chợ Dưng này vì cái tục đáng quý trên. Có nhiều bà nạ dòng cũng ứng thí.Nhiều trò chơi xuân được miêu tả trong các bức tranh dân gian Đông Hồ như trò đánh đu thật thú vị. Hội xuân làng nào ở Bắc Bộ cũng trồng một vài cây đu ở giữa ruộng, gần nơi đình chùa mở hội để trai gái trong làng, ngoài thôn được dịp để gần gũi nhau. Cảnh đánh đu này được Hồ Xuân Hương miêu tả, lúc cùng vui đu, mắt cùng liếc, lòng cùng ưa:

Trai đu gối hạc khom khom cật

Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng

Và lúc đu càng cao họ càng bay bổng đắm đuối:

Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới

Hai hàng chân ngọc duỗi song song

Bức tranh Hứng dừa của tranh Đông Hồ thể hiện mấy anh con trai mình trần, đóng khố, trèo lên cây hái dừa ném xuống, mấy cô gái cởi trần mặc yếm, hai tay nâng lấy váy hứng. Quả dừa với nước của nó ở trong tượng trưng cho tinh dịch, hứng dừa là một hành động tính giao. Bởi vậy, người ta mới mua tranh về treo bức vách để lấy phước, cầu mong phồn thực cho gia đình mình.Trong các lễ hội ở làng quê Việt Nam, múa dân gian với những nét vui hài đã làm trổi dậy không khí vui sống của người bình dân, là nét độc đáo trong văn hóa tinh thần người Việt. Và múa dân gian vẫn mang nét phồn thực trong ước vọng của dân tộc. Người ta kể, xưa kia tại Thanh Hà ( Hải Dương) có thờ thần Dòm. Mỗi lần tế thần, người ta mời cô đầu đến hát múa thờ. Lúc đó, bàn thờ thần hạ xuống còn bộ ngựa mà cô đầu hát múa đứng thì kê lên cao. Cô đầu phải mặc váy đứng hát, vừa hát vừa múa sao cho váy xòe rộng để thần còn...dòm.Miếu thờ vị trung hiền ở làng Mơ ( Hà Nội) rất thiêng đến đỗi, những người đàn bà khi đi chợ muốn mua may bán đắt, thì rủ nhau vào miếu múa màn “thoát y vũ”, dùng của quý làm lễ vật dâng lên cúng thần và còn khấn rằng: “Nếu ngài phù hộ cho bán đắt hàng thì khi đi chợ về sẽ tạ lễ như lần trước”, nghĩa là múa nhiều màn “thoát y” hơn nữa! Cũng vì tục này mà ngày nay làng Mơ còn truyền câu tục ngữ:

Sống, làm lính Trường Tiền

Chết, làm trung hiền làng Mơ

Ngày xưa, tại sở Đúc tiền ( Tràng Tiền-Hà Nội) của nhà vua, đàn bà con gái thường xâu tiền, nên mỗi lần ra về các cô đều phải để lính... khám người.Tín ngưỡng phồn thực dân gian vào rất sâu trong tôn giáo. Ở chùa Dâu (Thuận Thành, Hà Bắc), hòn đá thiêng biểu tượng phồn thực, đã trở thành phật Quang Thạch. Chùa Một Cột ( Hà Nội) qua giấc mơ của ông vua nhà Lý, cũng chỉ là lớp phủ của Phật Giáo, làm cây hương thơm-một biểu tượng của lin-ga. Rồi những lễ rước nước, lễ tắm Phật, những cơn mưa rửa chùa trước hội..., đều là tín ngưỡng phồn thực. Múa chay đàn, một nghi lễ Phật giáo nghiêm trang, vẫn có trò véo mông, véo đùi...diễn ra trong vòng múa mà không hề phạm giới, phạm tội, có khi còn được khuyến khích để gây cười.Thấp thoáng đâu đó trong sinh hoạt hàng ngày, tín ngưỡng phồn thực thành một triết lý, tư tưởng dân gian: Cây gậy chọc lỗ để gieo hạt, cái cày cày xuống lòng đất mẹ, chày-cối, bánh chưng (gói dài) -bánh dày, chìa vôi cắm vào bình vôi...Bình vôi cắm chìa vôi là động tác giao hợp , nhất là trong trầu cưới. Việc giã gạo là một việc làm gắn với cuộc sống nông nghiệp lúa nước. Chày và cối tượng trưng cho sinh thực khí nam và nữ, công việc giã gạo là hành động tính giao. Do vậy, hình tượng nam nữ giã gạo từng đôi được khắc trên trống đồng. Cách đánh trống đồng cũng thế: Từng đôi nam nữ cầm chày dài đâm lên mặt trống. Với người Tây Nguyên, cồng là biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực, vì cồng là hình ảnh của vú phụ nữ. Ta thấy, các cặp vợ chồng mới cưới thường để khoai giống, thóc giống dưới gầm giường. Người Mãng (Tây Bắc) vẫn còn giữ tục này. Người ta tin rằng: sự giao hoan giữa cặp vợ chồng sẽ truyền sinh khí cho hạt, để cây trồng sinh sôi nảy nở nhanh mạnh hơn.Chúng ta không ngạc nhiên khi trong nền văn học dân gian Việt Nam không thiếu những truyện tiếu lâm, truyện Trạng...xoay quanh những chuyện ấy. Đó là cái nhìn lạc quan, yêu và tin ở cuộc đời dẫu rằng trong thực tế họ còn chịu nhiều bất công, đau khổ. Đó là sức sống mãnh liệt của người bình dân. Những câu đố tục giảng thanh và những câu đố thanh giảng tục mà người bình dân sáng tạo giúp họ có niềm vui sống...Thơ Hồ Xuân Hương chứa đựng nhiều yếu tố tục. Nhưng đó là yếu tố tục mà bà tiếp thu từ dân gian thể hiện tư tưởng nhân văn, vừa mang bản sắc dân tộc, vừa có ý nghĩa nhân loại. Bởi vì yếu tố tục đó được giải thích bằng tư duy Trung cổ và trào lưu nhân văn của thời đại bà đang sống. Nó đòi hỏi con người phải được giải phóng khỏi thần quyền và cường quyền, khẳng định khát vọng tự nhiên và ca ngợi cuộc sống trần tục, giải phóng bản năng con người. Đó chính là nền văn hóa trào tiếu dân gian hiện diện trong các lễ hội các - na - van ở phương Tây. Chính Bakhtin khi nghiên cứu sáng tác của Francois Rabelais ( nhà văn Pháp) đã thấy hiện tượng Rabelais-bất nhã, sống sượng, kỳ quái, thậm chí dâm dục nữa-hòa nhập vào thế giới sáng tác dân gian dưới ảnh hưởng của nền văn hóa trào tiếu dân gian thời Trung Cổ và Phục Hưng. Yếu tố tục nằm trong hình thức và thể loại ngôn ngữ suồng sã (mắng chửi, nguyền rủa, thề tục, chế nhạo...) nhằm xóa bỏ mọi quan hệ ngôi thứ, mọi sự cách biệt giữa người với người. Đồng thời thể hiện ý nghĩa tái sinh, sự phồn thực, sự sung mãn, sự tràn trề của nhân dân.Nhìn rộng ra, ước vọng phồn thực thiêng liêng ngàn năm trên còn là của nhiều dân tộc trên thế giới. Hầu như ở đâu cũng bắt gặp nó: Những hình vẽ trong hang động, những tượng đá cổ sơ đào được ở Nam Pháp, Bắc Tây Ban Nha là những người đàn bà mặt mũi không rõ nét nhưng mông, vú, âm vật thì rất to. Các nàng vệ nữ thời ấy được tôn sùng vì mắn đẻ. Ở Ấn Độ, Nê Pan, trong nghệ thuật của họ và của các dân tộc chịu ảnh hưởng (nghệ thuật Chàm chẳng hạn) tục thờ lin-ga, yoni rất phổ biến. Đó là 2 vị thần biểu trưng cho 2 nguyên lý của vũ trụ, phân biệt và hòa hợp để sáng tạo thế giới . Ở các ngôi đền Ấn giáo, Phật Mật Tông, trên mặt tiền, dưới chân cột hoặc nội điện đầy các tượng thần nam và nữ đang ở trạng thái hoan lạc, người xem tưởng như đang xem các minh họa của các sách dạy kỹ thuật làm tình như Dục lạc kinh, Tố nữ kinh...Còn người Trung Hoa nâng các yếu tố đực-cái thành nguyên lý phổ quát âm-dương của vũ trụ.Như vậy, ước vọng phồn thực của cha ông : gia súc sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi, con người vui vẻ chan hòa ham sống... được thể hiện thông qua tín ngưỡng phồn thực và hoạt động tính giao nói trên. Đó chính là biểu tượng kỳ diệu nhất về sự bất diệt của cuộc sống con người và vạn vật trong không gian và thời gian.Ước vọng đó càng trổi dậy cùng với chồi non, lộc biếc mỗi độ xuân về. 

thanh vien
lich tour
lien he
skype
yahoo
ĐĂNG NHẬP

Tài khoản
Mật khẩu
     
Đăng ký thành viên
Quên mật khẩu